Người sử dụng lao động bố trí người lao động làm công việc vận hành, kiểm định, xây lắp, sửa chữa đường dây điện hoặc thiết bị điện phải được đào tạo về nghiệp vụ, kỹ thuật đúng yêu cầu ngành nghề và được huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện.
1. Đối tượng được huấn luyện, sát hạch, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện
- Người làm công việc vận hành, thí nghiệm, xây lắp, sửa chữa đường dây dẫn điện hoặc thiết bị điện ở doanh nghiệp, bao gồm cả treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng; điều độ viên.
- Người vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo thuộc tổ chức hoạt động theo Luật Điện lực và các luật khác có liên quan, phạm vi hoạt động tại khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
- Người lao động làm nghề vận hành, sửa chữa, dịch vụ điện cho các tổ chức, doanh nghiệp.
2. Xếp bậc an toàn điện
Bậc an toàn | Yêu cầu | Công việc được làm theo bậc |
Bậc 1/5 |
a) Kết quả huấn luyện lần đầu về lý thuyết và thực hành đạt 80% trở lên; b) Có kiến thức về những quy định chung để đảm bảo an toàn khi thực hiện công việc được giao; c) Sử dụng và quản lý trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc được giao đúng quy định |
a) Được làm các công việc không tiếp xúc với thiết bị hoặc dây dẫn mang điện; b) Tham gia phụ việc cho đơn vị công tác làm việc trên thiết bị điện, đường dây điện. |
Bậc 2/5 |
a) Hiểu rõ những quy định chung và biện pháp bảo đảm an toàn khi thực hiện công việc được giao; b) Sử dụng và quản lý trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc được giao đúng quy định; c) Hiểu rõ phương pháp tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện; d) Có kiến thức về sơ cứu người bị điện giật. |
a) Làm phần công việc của bậc 1/5; b) Làm việc tại nơi đã được cắt điện hoàn toàn. |
Bậc 3/5 |
a) Yêu cầu như đối với bậc 2/5; b) Có khả năng phát hiện vi phạm, hành vi không an toàn; c) Có kỹ năng kiểm tra, giám sát người làm việc ở đường dây hoặc thiết bị điện. |
a) Làm phần công việc của bậc 2/5; b) Làm việc tại nơi được cắt điện từng phần; c) Làm việc trực tiếp với đường dây điện, thiết bị điện hạ áp đang mang điện; d) Thực hiện thao tác trên lưới điện cao áp; đ) Kiểm tra trạm điện, đường dây điện đang vận hành; e) Cấp lệnh công tác, chỉ huy trực tiếp, cho phép đơn vị công tác vào làm việc, giám sát đơn vị công tác làm việc trên đường dây điện, thiết bị điện hạ áp. |
Bậc 4/5 |
a) Yêu cầu như đối với bậc 3/5; b) Hiểu rõ trách nhiệm, phạm vi thực hiện của từng đơn vị công tác khi cùng tham gia thực hiện công việc; c) Có kỹ năng lập biện pháp an toàn để thực hiện công việc và tổ chức giám sát, theo dõi công nhân làm việc; d) Có khả năng phân tích, điều tra sự cố, tai nạn điện. |
a) Làm phần công việc của bậc 3/5; b) Làm việc trực tiếp với đường dây điện, thiết bị điện cao áp đang mang điện; c) Cấp phiếu công tác, lệnh công tác, chỉ huy trực tiếp, cho phép đơn vị công tác vào làm việc, giám sát đơn vị công tác làm việc trên đường dây điện, thiết bị điện cao áp. |
Bậc 5/5 |
a) Yêu cầu như đối với bậc 4/5; b) Có kỹ năng phối hợp với các đơn vị công tác khác, lãnh đạo công việc, tổ chức tiến hành các biện pháp an toàn và kiểm tra theo dõi thực hiện công việc. |
Được làm toàn bộ công việc thuộc phạm vi được giao. |
3. Nội dung chương trình huấn luyện:
- Quy trình vận hành, xử lý sự cố đường dây điện, thiết bị điện nơi người lao động làm việc;
- Quy định về an toàn khi kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định đường dây điện, thiết bị điện trong trường hợp có cắt điện và không cắt điện;
- Cách nhận biết và biện pháp loại trừ nguy cơ gây sự cố, tai nạn tại nơi làm việc và phương pháp cấp cứu người bị nạn do điện;
- Thiết lập vùng làm việc an toàn;
- Tính năng, tác dụng, cách sử dụng, cách bảo quản, quy định về kiểm tra (kiểm định) các trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc phù hợp với công việc của người lao động;
- Thực hành những nội dung có liên quan đến việc bảo đảm an toàn phù hợp với công việc của người lao động.
4. Hình thức và thời gian huấn luyện, sát hạch
- Huấn luyện lần đầu: Thực hiện khi người lao động mới được tuyển dụng. Thời gian huấn luyện lần đầu ít nhất 24 giờ;
- Huấn luyện định kỳ: Thực hiện hàng năm. Thời gian huấn luyện định kỳ ít nhất 08 giờ;
- Huấn luyện lại: Khi người lao động chuyển đổi vị trí công việc hoặc thay đổi bậc an toàn hoặc có sự thay đổi thiết bị, công nghệ; khi kết quả kiểm tra của người lao động không đạt yêu cầu hoặc khi người lao động đã nghỉ làm việc từ 6 tháng trở lên. Thời gian huấn luyện lại ít nhất 12 giờ.
5. Cấp thẻ an toàn điện
Sau khi người lao động được huấn luyện và sát hạch đạt yêu cầu, Trung tâm sẽ cấp danh sách học viên hoàn thành huấn luyện An toàn và xếp bậc an toàn điện. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có nhu cầu, Trung tâm sẽ cấp thẻ an toàn điện theo Mẫu tại Phụ lục I - Thông tư 05/2021/TT-BCT.
6. Đội ngũ giảng viên Huấn luyện An toàn và xếp bậc an toàn điện
- Người huấn luyện, sát hạch phần lý thuyết phải có trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm công tác phù hợp với chuyên ngành đó;
- Người huấn luyện, sát hạch phần thực hành có trình độ cao đẳng trở lên, thông thạo và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với chuyên ngành huấn luyện.